Tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài (P1)
Tóm tắt: Hiện tượng danh hóa trong tiếng Việt khá phổ biến với tần suất xuất hiện khá nhiều trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay. Song vấn đề này vốn rất phức tạp lại không được giải thích trong các giáo trình này. Những báo cáo nghiên cứu về vấn đề này cũng không nhiều. Vì vậy, việc dạy chúng như thế nào, đặc biệt đối với đối tượng người nước ngoài là một vấn đề không đơn giản. Bài viết trên cơ sở khảo sát, thống kê, phân loại các nhóm từ này (niềm an ủi, nỗi lo âu, sự khác biệt, cuộc đua,…) trong bốn cuốn giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài do Giáo sư Đoàn Thiện Thuật (chủ biên) từ trình độ A đến trình độ C, đã miêu tả từng yếu tố danh hóa và đưa ra vài đề xuất cho việc dạy hiện tượng này.
1. Đặt vấn đề
Hiện tượng chuyển loại từ là một trong những hiện tượng điển hình và phổ biến trong ngôn ngữ, là phương thức cấu tạo từ thường gặp và có khả năng sản sinh từ vựng rất cao. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập với đặc điểm từ không biến đổi hình thái, từ tiếng Việt có điều kiện để “thực hiện cách chuyển loại bên trong, cách chuyển loại không cần phụ phẩm hình thức” (Hồ Lê, 1976, tr.387). Bên cạnh hiện tượng chuyển loại bên trong, tiếng Việt còn tồn tại một thực tế có hiện tượng chuyển loại bên ngoài “mỗi động từ, tính từ trong tiếng Việt, có khả năng danh hóa do kết quả của cách thức tri nhận, bởi một danh từ tương ứng bằng cách kết hợp với một chỉ tố ngữ pháp nào đó” (Đinh Văn Đức, 2015, tr.60). Chúng tôi gọi hiện tượng chuyển loại bên ngoài này là hiện tượng danh hóa, là đối tượng nghiên cứu chính trong bài viết này. “Đây là một phương thức ngôn ngữ biểu thị sự thực thể hóa những quá trình, thực thể hóa những đặc trưng thực tại khách quan trong tư duy của con người. Sự tồn tại của phương thức này trong ngôn ngữ là một bằng chứng sinh động của đặc trưng thống nhất mà không đồng nhất giữa tư duy và ngôn ngữ.” (Nguyễn Thị Thuận, 2003b, tr.1). Vì sự phức tạp này, người nước ngoài cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại trong việc nhận diện, phân biệt từ loại khi học tiếng Việt.
Bài viết bằng phương pháp thống kê, so sánh và miêu tả, phân tích cũng như lý giải sự xuất hiện các hiện tượng danh hóa trong một số giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài với mong muốn cung cấp cho người học tiếng Việt như một ngoại ngữ các ví dụ tổ hợp danh hóa ở cấp độ từ, khả năng kết hợp của các yếu tố danh hóa và một số tiêu chí giúp họ sử dụng các biện pháp danh hóa một cách chính xác hơn. Từ đó có thể giúp người học nâng cao khả năng diễn đạt, làm cho tiếng Việt của họ phong phú và tinh tế hơn. Hơn nữa, kết quả và đề xuất của bài viết hi vọng sẽ đóng góp phần nào vào việc biên soạn giáo trình, tài liệu cũng như việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Tổng hợp các phần của Báo cáo
- Phần 1: Đặt vấn đề
- Phần 2: Cơ sở Lý thuyết & Nguồn tư liệu khảo sát
- Phần 3: Miêu tả các hiện tượng danh hóa trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
- Phần 4: Thảo luận và Đề xuất
- Phần 5: Kết luận
Tác giả: GV, ThS. Phạm Thị Thu Giang – GV. Bùi Thị Hường