Bước đầu tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài (P5)
Bài viết là phần tiếp nối của phần 4 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài”.
Với đặc trưng của một ngôn ngữ đơn lập, từ không biến đổi hình thái, danh hóa là một hiện thực tồn tại trong ngôn ngữ viết và nói của người Việt. Các tổ hợp danh hóa động từ, tính từ là công cụ đắc lực trong việc biểu thị những hành động, trạng thái, đặc trưng trừu tượng một cách sinh động, khái quát. Việc người nước ngoài học tiếng Việt dùng chính xác những tổ hợp danh từ này giúp họ tiến gần với tư duy, cách nói năng, lập luận của người bản ngữ, đặc biệt trong ngôn ngữ viết.
Mỗi một yếu tố danh hóa là một phương thức khái quát, trừu tượng hóa, “sự vật hóa” các hoạt động, hành động, trạng thái, tình cảm. Nếu như “sự + động từ/tính từ” định danh cho loại thực thể trừu tượng, là kết quả của việc trừu tượng hóa, khái quát hóa đặc trưng của những hành động, tính chất biểu thị ở động từ/ tính từ ban đầu thì “việc + động từ” biểu thị cho loại thực thể quá trình/ hành động. Đa số các trường hợp danh hóa động từ bởi “cuộc” mang hàm ý định danh cho một hoạt động cụ thể, thường có địa điểm và thời gian nhất định, có nhiều người tham gia, có chủ ý và hữu kết. Trong khi đó tổ hợp danh từ “nỗi/ niềm + động từ/ tính từ” là biểu thị loại thực thể, kết quả của sự thực thể hóa trạng thái, tình cảm, đạo đức của con người. Các tổ hợp danh từ có khả năng định danh, đóng vai trò là bổ ngữ, chủ ngữ hoặc số ít làm vị ngữ như một danh từ đích thực. Người học tiếng Việt như một ngoại ngữ cần nắm được cách thức danh hóa, khả năng đảm nhiệm chức vụ cú pháp, danh sách các tổ hợp danh từ và trường hợp sử dụng để dùng cho đúng, mang lại hiệu quả giao tiếp và truyền tải thông tin.
Số liệu thống kê cho thấy, các tổ hợp danh hóa động từ/ tính từ xuất hiện nhiều trong các giáo trình dạy tiếng Việt ở trình độ cao và trong các mục chứa ngôn ngữ viết hơn ngôn ngữ nói. Điều này cũng thể hiện sự phức tạp, tính chất trừu tượng, khái quát hóa của hiện tượng danh hóa.
Qua bài viết, chúng tôi đề xuất bổ sung hiện tượng chuyển loại từ, hiện tượng danh hóa vào các giáo trình dạy tiếng ở trình độ trung cấp và nâng cao theo hướng đưa dần dần, nhằm giúp người nước ngoài tiến gần với tư duy của người bản ngữ, nâng cao khả năng diễn đạt súc tích và sử dụng tiếng Việt tinh tế hơn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Hữu Châu. (1981). Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt. NXB Giáo dục.
- Đinh Văn Đức. (2015). Ngữ pháp Tiếng Việt – Từ loại I & II. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). (2002). Dẫn luận ngôn ngữ học. NXB Giáo dục.
- Hồ Lê. (1976). Cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. NXB Khoa học xã hội.
- Vũ Văn Thi. (2016). Một số vấn đề sư phạm trong dạy tiếng và những nguyên tắc trong biên soạn giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài. Giảng dạy nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Tr.457-469.
- Nguyễn Thị Thuận. (2003a). Danh hóa động từ chỉ trạng thái tình cảm với “nỗi”, “niềm”. Ngôn ngữ và đời sống. Số 6 (92)-2003. 2-7.
- Nguyễn Thị Thuận. (2003b). Danh hóa trong tiếng Việt hiện đại. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
- Viện Ngôn ngữ học. (2005). Từ điển Tiếng Việt phổ thông. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng hợp các phần của Báo cáo
- Phần 1: Đặt vấn đề
- Phần 2: Cơ sở Lý thuyết & Nguồn tư liệu khảo sát
- Phần 3: Miêu tả các hiện tượng danh hóa trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
- Phần 4: Thảo luận và Đề xuất
- Phần 5: Kết luận
Tác giả: GV, ThS. Phạm Thị Thu Giang – GV. Bùi Thị Hường