Phương pháp Phát âm chuẩn tiếng Việt cho Người nước ngoài
Phát âm là vấn đề quan trọng khi học tiếng Việt bởi nếu nói sai ngữ pháp người Việt có thể hiểu ý bạn muốn nói, nhưng nếu nói sai một từ thì người Việt không thể hiểu. Tuy nhiên, phát âm lại là vấn đề khó khăn nhất cho hầu hết người nước ngoài học tiếng Việt.
Các âm trong tiếng Việt được cấu thành khá phức tạp từ: Phụ âm, nguyên âm, và thanh điệu. Vậy, làm cách nào để phát âm tiếng Việt chuẩn? Bài viết xin chia sẻ cho người học một số bí quyết sau đây:
Trước hết, học viên cần nắm được rằng tiếng Việt được cấu tạo từ các đơn âm nên việc học phát âm sẽ theo trình tự từ phát âm âm tiết đến phát âm chuỗi âm tiết, từ phát âm chuỗi âm tiết đến phát âm câu với ngữ điệu tự nhiên.
Phát âm mỗi âm tiết
Điều quan trọng khi học phát âm mỗi âm tiết là học viên cần nắm được tiêu chí phát âm và cấu hình miệng khi phát âm âm đó, ví dụ: phát âm ngắn gọn hay kéo dài, chuyển động của lưỡi từ khi bắt đầu đến khi kết thúc âm ra sao, bật hơi hay không bật hơi,… Người nước ngoài học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai thường bị áp lực từ tiếng mẹ đẻ, do đó thường không nhận ra những nét khác biệt và thường qui âm nhận được thành âm tương tự có sẵn trong tiếng mẹ đẻ. Đối với trường hợp này, cần thiết phải có giáo viên hướng dẫn để người học có thể phân biệt và sửa lỗi ngay lập tức. Có rất nhiều người học có thể phản ánh và nhận thức đúng về các âm nhưng vẫn phát âm sai là do chưa thể tự điều chỉnh bộ máy phát âm theo ý muốn, trường hợp này học viên đó ý thức được lỗi phát âm của mình nhưng đòi hỏi phải có sự luyện tập chăm chỉ trong thời gian dài để có thể phát âm tiếng Việt chuẩn.
Nhận diện và phát âm
Với mỗi người bắt đầu học tiếng Việt, đều lo lắng không biết bắt đầu học tiếng Việt từ đâu? Việc đầu tiên là phải nhận diện âm tiết. Đó là việc người học từ tiếp nhận đến khái quát hóa âm đó đến lúc có thể thực hiện hóa tri thức của mình bằng việc phát âm. Thủ pháp để nhận diện âm tiết tiếng Việt cũng giống khi học các ngôn ngữ khác, là học viên cần phải nghe và lặp lại nhiều lần âm tiết đó. Với những âm tiết quen thuộc, có trong tiếng mẹ đẻ, người học sẽ rất dễ dàng bắt chước và phát âm chính xác. Vấn đề cần nói tới là các âm xa lạ (là khác nhau đối với các học viên đến từ những nước khác nhau) thì việc nhận diện không dễ dàng. Học viên cần phải nghe và lặp lại nhiều lần đồng thời có sự hướng dẫn của giáo viên để phân biệt các âm tương tự nhau mà học viên không tự nhận ra được sự khác biệt.
Học viên nên học theo từng cặp đối lập. Ví dụ, những học viên từ Nhật Bản hay Hàn Quốc thì khả năng nhầm lẫn giữa âm [v] (v) và [b] (b) rất cao, còn học viên là người nói tiếng Anh thường hay không phân biệt được âm [c] (c,q,k) và [o] (kh),… Biết được mình nhầm lẫn giữa những âm nào, học viên nên thường xuyên nghe và phát âm liên tục những âm đó, tập trước với những từ quen thuộc và có cấu trúc âm tiết đơn giản, sau đó với những từ phức tạp hơn. Ví dụ, học viên nên lập bảng như sau:
[v] (v) | [b] (b) | [c] (c,q,k) | [o] (kh) | |
và | bà | có | khó | |
về | bề | cá | khá | |
việt | biệt | cám (ơn) | khám |
Luyện tập phát âm và luyện nghe luôn đi cùng với nhau. Học viên nên dùng audio hoặc nhờ giáo viên phát âm để nghe đi nghe lại và chỉ ra chính xác từ vừa được phát âm, ngược lại học viên cần luyện tập để phản xạ phát âm thật nhanh từ mà giáo viên yêu cầu. Quá trình luyện tập ban đầu rất khó khăn, tốc độ chậm nhưng sau đó sẽ nhanh hơn, nếu không luyện tập thường xuyên, học viên sẽ rất dễ quên các âm đã học. Do đó, quá trình luyện tập đòi hỏi phải lâu dài, học viên cần kiên trì cho đến khi học viên có thể nhận diện và phát âm đúng âm bất kỳ lúc nào.
Nâng cao khả năng phản xạ
Sau khi đã làm chủ được các âm, học viên cần chuyển sang bước luyện tập để nâng cao khả năng phản xạ với mỗi từ. Với bước này, luyện tập với giáo viên mang lại hiệu quả tốt hơn. Học viên sẽ phát âm cho tất cả các từ mà giáo viên chỉ (các từ đã được học trong bài học), lưu ý học viên cần luyện phát âm chuyển đổi giữa các từ có thanh điệu khác nhau để thực hành phát âm thanh điệu, nhịp độ chuyển đổi có thể từ chậm đến nhanh dần. Ví dụ, phát âm các từ trong bảng dưới đây:
nho | nhò | nhó | nhá | nhâ | nhọ |
nhô | nhồ | nhố | nhổ | nhỗ | nhộ |
nhơ | nhờ | nhớ | nhở | nhì | nhợ |
nhu | nhù | nhú | nhủ | nhũ | nhụ |
như | nhừ | nhứ | nhử | nhữ | nhự |
Phát âm chuỗi âm tiết
Học viên có thể phát âm được từng âm tiết không có nghĩa là luôn phát âm đúng âm tiết trong một chuỗi nhiều âm tiết. Học viên cần phải luyện tập kỹ năng phát âm chuỗi âm tiết vì trong thực tế nói năng, một ý cần nói thường là một câu với nhiều từ phối hợp với nhau.
Thường học viên sẽ mắc lỗi về thanh điệu khi phát âm một chuỗi âm tiết (đặc biệt đối với các học viên mà trong tiếng mẹ đẻ không có thanh điệu). Ngay cả khi học viên có thể phát âm đúng thanh điệu khi phát âm từng âm tiết cũng không có nghĩa là sẽ vẫn đúng khi phát âm một chuỗi có cùng hay không cùng âm điệu. Để khác phục lỗi sai này, học viên cần phải luyện tập theo hướng chuyển đổi liên tục giữa các thanh điệu. Ví dụ, nếu học viên phát âm âm thanh ngang giống thanh huyền sau khi phát âm thanh huyền thì cần phải luyện tập theo trình tự: “huyền-huyền-ngang”.
Dưới đây là một số hướng luyện tập phát âm đúng thanh điệu trong chuỗi nhiều âm tiết:
- Câu chứa thanh ngang: Ví dụ: Tôi đi chơi Nha Trang hôm qua.
- Câu chứa thanh huyền: Ví dụ: Bà Tùng vừa về nhà mình hồi chiều.
- Câu chứa thanh hái: Ví dụ: Thảo chỉ hái đổi mảnh vải đá.
- Câu chứa thanh ngã: Ví dụ: Gã đã vẽ kỹ lưỡng mãi.
- Câu chứa thanh sắc: Ví dụ: Nó muốn nói với má: nó rất cố gắng.
- Câu chứ thanh nặng: Ví dụ: Một chuyện thật tội nghiệp tại bệnh viện: chị bị đụng thật nặng.
- Ngang-sắc-ngang: Ví dụ: không có chi, đi với tôi, xem máy bay, mua áo mưa,…
- Sắc-ngang-sắc: Ví dụ: thấy anh ấy, tối hôm đó, mấy con chó, khó khăn đấy,…
- Ngang-nặng-ngang: Ví dụ: đi chợ đêm, bưu điện xưa, viên kẹo to, nghiêng một bên,…
- Nặng-ngang-nặng: Ví dụ: một con bọ, thị ba rọi, chục viên kẹo, quẹo xe lại,…
Trên đây là phương pháp giúp người học luyện tập cách phát âm chuẩn tiếng Việt. Tuy nhiên, phát âm đúng khi sử dụng ngoại ngữ là một điều lý tưởng khó đạt đến hoàn hảo. Phương pháp luyện tập đạt được hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự chăm chỉ hay ngữ cảm của học viên. Hy vọng bài viết sẽ giúp học viên có những bước cơ bản về phát âm trong giai đoạn đầu học tiếng Việt, tạo cơ sở cho những bước nâng cao về sau.
Nguồn tham khảo:
1. Phan Trần Công, Phương pháp dạy phát âm cho người nước ngoài bắt đầu học tiếng Việt từ lý thuyết đến thực tiễn dạy tiếng, Khoa Việt Nam học – Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Hưng Quốc (2014) Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (Methods of Teaching Vietnamese as a Second Language), NXB NgườiViệtBook 2014.
3. Chu Thị Quỳnh Giao – Phan Trần Công – Trần Thị Tâm, Luyện phát âm đối với thanh điệu tiếng Việt, Khoa Việt Nam học – Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Tác giả: Nguyễn Thị Huệ