Các lỗi thường gặp khi Học viên nước ngoài phát âm phụ âm đầu tiếng Việt
Với những người nước ngoài thì khi bắt đầu học tiếng Việt thường mắc nhiều lỗi, trong đó có lỗi về phát âm. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra cho các bạn những lỗi phát âm phụ âm đầu tiếng Việt.
Cấu trúc của âm tiết Tiếng Việt
Một âm tiết tiếng Việt ở dạng đầy đủ bao giờ cũng gồm 5 phần như sau:
Thanh điệu | |||
Vần | |||
Âm đầu | Âm đệm | Âm chính | Âm cuối |
Âm đầu trong tiếng Việt có số lượng lớn nhất so với các hệ thống còn lại. Chúng có vai trò quan trọng trong việc khu biệt nghĩa của các âm tiết với nhau, ví dụ: bố # số # hố. Bất kỳ người nước ngoài nào khi học tiếng Việt cũng sẽ có những lần nhầm lẫn giữa các phụ âm đầu. Lí do đầu tiên song cũng rất quan trọng là hệ thống phụ âm của mỗi ngôn ngữ không hoàn toàn giống nhau. Chính sự vắng mặt của những phụ âm đầu tiếng Việt so với hệ thống phụ âm trong tiếng mẹ đẻ của người học đã làm cho họ có những nhầm lẫn khi mới tiếp xúc với tiếng Việt.
Nhóm phụ âm tắc, ồn: b, t, th, đ, ch, c, k
Trong nhóm này sự nhầm lẫn có thể xảy ra nhiều với phụ âm b, t, th. Cụ thể là, sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc hay nhầm lẫn phát âm b – p, th – t, đ – t. Ở đây, do học viên chưa nhận thức rõ ràng được các đặc trưng cấu âm của phụ âm và còn do ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ. Ví dụ trong hệ thống phụ âm tiếng Hàn không có âm b nhưng có âm p. Vì thế, học viên người Hàn theo thói quen phát âm của mình đã chuyển b tiếng Việt thành p: bàng => pàng, bà => pà…. Những học viên Trung Quốc đặc biệt nhóm đến từ các tỉnh giáp với biên giới phía Bắc Việt Nam thường có thói quen phát âm đ => t, chẳng hạn đường => tường. Trường hợp này là do trong hệ thống của họ không có âm đ như tiếng Việt nhưng có âm gần gũi là t nên ban đầu họ đều có xu hướng chuyển đ thành t.
Nhóm phụ âm tắc, vang: m, n, nh, ng
Trong nhóm này, sự nhầm lẫn hay xảy ra với phụ âm n, nh, ng. Đó là người học hay phát âm nh thành n (nhón => nón, nhanh => nanh) và ng thành n (người => nười). Có thể do n là một âm đầu lưỡi – răng nên dễ dàng phát âm hơn so với nh là một âm mặt lưỡi, ng là một âm gốc lưỡi nên khi phát âm học viên ban đầu thường tìm cho mình một âm gần nhất để thay thế. Sự nhầm lẫn ng => n cũng hay xảy ra đối với học viên là người châu Âu bởi âm ng không có trong hệ thống tiếng mẹ đẻ của họ nên họ phải tìm một âm tương tự để tự lấp những cấu âm mới chưa quen. Để sửa lỗi này không đơn giản vì vận động khi phát âm đặc biệt là âm gốc lưỡi rất khó, thường gây mệt mỏi khi nói nên phải trải qua thời gian với những bài tập hợp lí và thường xuyên.
Nhóm phụ âm xát, ồn gồm: ph, v, x, d/gi, s, r, kh, g/gh, h
Trong nhóm này, có thể gặp nhiều ở sự nhầm lẫn của v thành p (vàng => pàng), g/ gh thành c (gánh => cánh, gồ ghề => cồ cề), kh thành h (không => hông, khuống => huống)
Có thể thấy những lỗi xảy ra khi phát âm hệ thống phụ âm đầu tiếng Việt là do hai yếu tố thứ nhất là sự giao thoa; thứ hai là do không có sự tương ứng giữa hệ thống phụ âm của ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ đích (tiếng Việt). Khi gặp một âm của ngôn ngữ đích có cách cấu âm khác lạ với ngôn ngữ mẹ đẻ thì người sử dụng song ngữ thường có xu hướng lấy một âm của tiếng mẹ đẻ có cấu âm gần gũi thay thế cho âm đó trong ngôn ngữ đích. Chính vì vậy, việc khắc phục không phải dễ dàng và nhanh chóng. Nếu giáo viên lựa chọn cách giải thích bằng các kiến thức ngôn ngữ học về sự nhầm lẫn cho học viên thì không phải ai cũng có thể hiểu và vận dụng bởi kiến thức đó mang tính chuyên ngành cao. Kinh nghiệm cho thấy, bằng trực quan ở đây là khẩu hình của giáo viên và luyện những bài tập đối với các cặp phụ âm hay nhầm lẫn để học viên dần định hình cách phát âm mới một cách tương đối chuẩn nhất.
Lỗi phát âm âm đầu như thế này ít xảy ra nếu học viên chỉ phát âm phụ âm đầu riêng lẻ, tuy nhiên, trong chỉnh thể một âm tiết thì sự nhầm lẫn thường xuyên hơn vì còn bị chi phối bởi các hệ thống còn lại. Do vậy, những bài luyện ban đầu có thể tách âm đầu riêng nhưng sau đó vẫn phải gắn vào âm tiết cụ thể.
Học tiếng Việt không khó nếu các bạn sửa dần các lỗi ở trên. Chúc các bạn thành công với một ngôn ngữ mới – Tiếng Việt.
Tác giả: Chu Phong Lan
Recent Posts
Bài viết là phần tiếp nối của phần 4 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 3 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 2 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Recommended for You
Vietnamese Subtitle Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi có một Đức …
Vietnamese Subtitle: Đêm giáng sinh năm ấy, trời rất lạnh, đã mấy ngày liền tuyết …