Một số Lỗi về Thanh điệu khi Người nước ngoài nói tiếng Việt
Đối với bất kỳ người nước ngoài học tiếng Việt nào thì khó khăn lớn nhất chính là thanh điệu. So với các ngôn ngữ có thanh điệu (tiếng Hán, tiếng Thái Lan, tiếng Lào), tiếng Việt là ngôn ngữ có nhiều thanh điệu nhất – 6 thanh. Người nước ngoài khi nói tiếng Việt thường cảm thấy người Việt không hiểu mình là do họ phát âm thanh điệu (dấu) chưa chính xác. Ví dụ nếu bạn muốn nói Tôi quên vở nhưng bạn lại nói thành Tôi quên vợ thì nghĩa thay đổi hoàn toàn.
Thanh điệu tiếng Việt là sư thay đổi cao độ của giọng nói. Chính vì thế, nếu bạn không đảm bảo được cao độ của mỗi thanh điệu ở mức tương đối nhất thì bạn đã thất bại khi muốn biểu đạt nghĩa muốn nói.
Người nước ngoài khi học thanh điệu tiếng Việt hay nhầm lẫn phát âm như sau:
Nhầm thanh không dấu sang thanh huyền
Khi học viên nhầm thanh không dấu sang thanh huyền là vì hai lí do sau: thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu đã không đạt được độ cao của thanh không dấu mà là của thanh huyền nên càng về cuối âm vực càng thấp làm người nghe có cảm giác giống thanh huyền; thứ hai lúc đầu chú ý đúng độ cao nhưng không giữ được trạng thái bằng phẳng cho đến cuối mà phát âm trầm khi kết thúc. Như vậy, trường độ phát âm đã không được kiểm soát.
Nhầm thanh huyền sang thanh không dấu.
Lí do thanh huyền là thanh bằng – thấp nhưng học viên nước ngoài làm cho nó giống một thanh bằng – cao. Quan trọng hơn, học viên bị thói quen phát âm thanh không dấu tác động khi phát âm thanh huyền.
Nhầm thanh ngã sang thanh sắc
Như con hổ thanh con hố; dễ dãi thành dế dái…. Người nước ngoài thường chỉ quan niệm thanh ngã là thanh có đường nét xuống rồi đi lên rất đơn giản. Quan niệm này đã làm cho nó giống như cách phát âm của thanh sắc. Thực tế, thanh ngã gồm 3 giai đoạn phát âm là: đi lên thoai thoải – đi xuống nhanh, mạnh, tắc – đi lên mạnh kết thúc ở cao độ cao hơn so với lúc bắt đầu. Người học chỉ đảm bảo được giai đoạn đầu và cuối, giai đoạn giữa rất ngắn, cảm giác đứt quãng, khí quản như bị bóp lại thì họ ít làm được. Để khắc phục cho người học, giáo viên cần chú ý họ sự thay đổi đột ngột hướng đi của âm điệu và sự thay đổi độ mạnh của âm thanh. Tuy nhiên, quá trình này phải luyện tập nhiều cho tự nhiên để không cảm thấy mệt khi phát âm thanh ngã. Thực tế cho thấy đây là thanh điệu phát âm khó nhất khi học tiếng Việt.
Nhầm thanh hỏi sang thanh huyền
Vì cao độ bắt đầu của thanh hỏi gần ngang với thanh huyền nhưng thanh hỏi sau phần đi ngang (tương tự thanh huyền) thì có đường nét đi xuống rồi đi lên cho cân xứng. Người nước ngoài hay mắc lỗi với thanh này vì đây là thanh gãy, dù không đột ngột và mạnh như thanh ngã nhưng làm cho họ khó thích ứng. Đường nét ban đầu gần giống thanh huyền, phát âm khá dễ nên sau đó họ quên tạo nét gãy và đi lên mà lại giữ nét bằng phẳng như đầu tiên nên cảm giác của người nghe là giống thanh huyền. Chẳng hạn, nhiều học viên Hàn Quốc phát âm lảm nhảm thành làm nhàm, học viên Lào phát âm củ sả thành cù sà.
Thanh sắc phát âm ít bị sai hơn vì nó chỉ xuất hiện trong các âm tiết có kết thúc bằng p, t, c, ch (cách, tắt, bếp, các…). Hơn nữa những âm tiết kiểu này trong tiếng Việt giống trong tiếng mẹ đẻ của người học nên họ dễ tiếp thu hơn. Nếu có nhầm lẫn thì thường nhầm thanh sắc sang thanh không dấu. Lí do là sau khi phát âm phần bằng – cao (khá giống thanh không dấu) của thanh sắc thay vì phải làm đường nét vút cao thì họ lại kéo dài quá mức nên tạo cảm giác giống phát âm thanh không dấu.
Thanh nặng là thanh ít nhầm lẫn nhất vì cảm giác ngắn, đột ngột và mạnh của thanh điệu dễ nhớ hơn so với số còn lại. Nếu học viên có phát âm sai thì thường nhầm sang thanh huyền bởi hai thanh này cùng âm vực.
Một điều lưu ý là, nếu để học viên phát âm từng từ đơn thì khả năng phát âm chính xác thanh điệu rất tốt. Tuy nhiên chuyển sang từ có hai tiếng trở lên hoặc trong một câu thì sự nhầm lẫn giữa các thanh là rất nhiều. Điều này gây cản trở không nhỏ khi họ giao tiếp với người Việt.
Để khắc phục, thời gian đầu, giáo viên có thể luyện phát âm với từng từ đơn sau tăng dần sang các từ nhiều tiếng nhưng chia chúng thanh các nhóm như: theo cặp thanh điệu (không dấu – huyền; ngã – hỏi, ngã – sắc…); theo nhóm thanh điệu: nhóm thấp có thanh huyền – hỏi – nặng, nhóm cao có không dấu – ngã – sắc. Sau đó có thể là các bài tập lựa chọn từ được phát âm đúng trong một câu để học viên quen với một chuỗi liên tục sự thay đổi cao độ. Ví dụ: Chúng tôi chào/ chao bà ấy. Cuối cùng, có thể đề ra bài tập dạng nghe và điền thanh điệu vào các câu giúp học viên tư duy nhanh và nắm bắt được thanh điệu trong tổng thể một chuỗi các từ nối tiếp nhau.
Tác giả: Chu Phong Lan