Phương pháp Đánh vần có cần thiết khi Dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài? (Phần 1)
Trong lớp Tiếng Việt Sơ Cấp (Basic Vietnamese A) tại trường Victoria University, tôi có thói quen mở đầu buổi học đầu tiên bằng cách viết một câu tự giới thiệu mình trên bảng:
Tôi tên Tuấn. Tôi là người Việt. Tôi dạy tiếng Việt tại trường Đại học Victoria.
Rồi tôi yêu cầu các em đọc. Thoạt đầu, em nào em nấy cũng lắc đầu quầy quậy: “Em chưa biết tiếng Việt mà. Hôm nay là ngày đầu tiên em học tiếng Việt.” Tôi động viên: “Thì em đọc thử xem sao.” Các em thử. Hết em này đến em khác. Kết quả: Hầu hết đều đọc đúng. Dĩ nhiên không phải đúng hoàn toàn. Chưa nghe ra cái lên bổng xuống trầm, điều mà nhiều người ngoại quốc khen là “líu lo như chim hót” của thanh điệu tiếng Việt. Chữ “người”, vốn chỉ có một âm tiết, có vẻ như biến thành hai âm tiết “ng-ười”. Nhưng, sai, thực sự đọc sai, thường, chỉ có một chữ: “dạy” thành “đạy”. Ba câu trên gồm 15 âm tiết (không tính chữ Victoria). Các em đọc sai một. Tỉ lệ sai: 1/15.
Kết quả ấy không đáng kinh ngạc sao? Có ngôn ngữ nào mới tiếp xúc lần đầu tiên mà người ta có thể đọc với mức độ chính xác đến như vậy? Thử tưởng tượng sinh viên đang học tiếng Tàu, tiếng Nhật hay tiếng Thái, tiếng Campuchia. Mất bao lâu để có thể đọc được mặt chữ? Giỏi lắm cũng mất năm bảy tháng. Hay có khi vài ba năm. Ngay giữa các ngôn ngữ Tây phương với nhau, một người nói tiếng Anh có thể đọc đúng tiếng Pháp hay tiếng Đức trước khi thực sự học các ngôn ngữ ấy không? Có. Nhưng tỉ lệ sai chắc chắn cao hơn hẳn.
Vậy nên kết luận thế nào sau bài thử nhập môn ở trên? Có mấy nhận xét:
Tiếng Việt rất dễ đọc. Dễ đến độ chưa học, người ta cũng có thể đọc được gần đúng. Như hệ quả của điều trên, tiếng Việt rất dễ học. Trong bốn kỹ năng chính của ngôn ngữ (nghe, nói, đọc và viết); để học tiếng Việt, hầu như người ta chỉ cần tập trung vào ba kỹ năng chính: nghe, nói và viết. Còn kỹ năng đọc, chưa cần học, người ta đã giải quyết xong ít nhất là một nửa.
Tại sao một nửa? Là vì việc đọc chữ thường bao gồm ba thao tác chính: một, nhận diện mặt chữ; hai, phát âm; và ba, biết nghĩa. Trong ba thao tác ấy, thao tác đầu tiên không thành vấn đề; thao tác thứ hai, các sinh viên đều có thể làm được; chỉ cần thời gian để hoàn thiện mà thôi. Cuối cùng, điều các em cần nhất là học ý nghĩa và cách sử dụng từ.
Thật ra, những nhận xét ở trên cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nói chung, các loại văn tự sử dụng bảng chữ cái La Tinh, vốn tự bản chất, có tính ký âm (phonetic transcription), đều dễ đọc. Ít nhất dễ đọc hơn các loại chữ khối vuông dựa trên hình tượng và ý niệm (như chữ Hán)
Trong các loại chữ ký âm, ngôn ngữ nào càng có chữ viết và sách in lâu đời, càng được sử dụng rộng rãi và càng có nhiều từ vay mượn từ nước ngoài bao nhiêu càng khó đọc bấy nhiêu. Lý do khá dễ hiểu. Nguyên tắc đầu tiên của các thứ chữ ký âm là sự đồng nhất giữa âm vị (phoneme) và tự vị (grapheme): Phát âm thế nào thì viết thế ấy; mỗi âm được ký hiệu hóa bằng một chữ cái. Thế nhưng, trên thực tế, từ nguyên tắc cơ bản ấy, có hai hiện tượng thường thấy: Một, ngay từ đầu, người ta đã bất nhất (ví dụ việc sử dụng nhiều tự vị – chữ cái – để ghi một âm vị, như trường hợp các phụ âm “g” và “gh” hay “c”, “k” và “q” trong tiếng Việt); và hai, trên đường tiến hóa và phát triển, trong khi ngôn ngữ nói không ngừng thay đổi và đa dạng hóa, chữ viết thì lại bị chết cứng trên trang giấy. Một lúc nào đó, những gì đáng lẽ là một lại bỗng dưng thành hai, ba, bốn, v.v… Đó là trường hợp thường thấy trong tiếng Anh.
Ví dụ, cũng viết là “a”, nhưng cách đọc “a” trong các chữ “car”, “hat”, “cake”, “call”, “about” và “private” thì khác hẳn nhau.
Một ví dụ khác nữa: Viết là “ough” nhưng lúc thì đọc như “u”, “o”, “a” hay như “off”, “uff” và “ow” như trong các từ dưới đây:
Và không hiếm trường hợp viết khác nhau nhưng lại đọc giống nhau:
Trong tiếng Việt, những hiện tượng biến âm như thế không phải không có. Nhưng, nói chung, rất họa hoằn và với mức độ nhạt nhẹ hơn hẳn. Với phụ âm đầu, hiện tượng một âm vị được biểu thị bằng hai hoặc ba từ vị khác nhau chỉ xảy ra ở bốn trường hợp: g/gh, ng/ngh, c/k/q, và d/gi. Với các nguyên âm, thường thấy nhất là hiện tượng bị rút ngắn khi đứng trước một số phụ âm như “ch” và “nh” (ví dụ: tích/tinh; ếch/ênh). Với các nguyên âm đôi, có hiện tượng nhiều tự vị được sử dụng để viết một âm vị duy nhất, ví dụ: “ia”, “iê”, “ya” và “yê” đều đọc là “ia”. Với các phụ âm cuối, chỉ có hai trường hợp biến thể: một, /k/ được viết là “ch” sau các nguyên âm bổng (hách dịch, chênh chếch) và viết là “c” sau các nguyên âm khác (biếc, xấc xược, hốc hác); hai, /ŋ/ được viết là “nh” sau các nguyên âm /i,e/ɛ (linh đình, lênh đênh, lanh canh); còn lại đều viết là “ng” (bừng bừng, đùng đùng, long đong, bâng khuâng, bằng phẳng), v.v…
Tuy nhiên, như đã nói, những trường hợp như vậy rất họa hoằn và tương đối có hệ thống. Ví dụ, về những phụ âm có nhiều hơn một tự vị, chúng ta có các nguyên tắc kết hợp như sau:
Âm đầu | Chữ cái (tự vị) | Vị trí trước các nguyên âm | |||
i, ê, e, ia (iê) | Các nguyên âm khác | w (âm đệm u) | |||
/k/ | c | – | + | – | |
k | + | – | – | ||
q | – | – | + | ||
/g/ | g | – | + | ||
gh | + | – | |||
/ŋ/ | ng | – | + | ||
ngh | + | – |
Ghi chú: Dấu + là có thể; dấu – là không.
Vì có những nguyên tắc chặt chẽ như vậy, nên trên thực tế, các biến thể ấy gây rất ít khó khăn cho việc tập đọc. Bởi vậy, có thể nói một cách vắn tắt: Trong tiếng Việt, nói chung, viết thế nào thì đọc (gần như) thế ấy. Nó dễ là vì vậy.
Tác giả: GS. Nguyễn Hưng Quốc
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUỖI
- Phần 1: Dạy đọc dễ hay khó?
- Phần 2: Đánh vần hay không đánh vần?
- Phần 3: Lấy học sinh làm trung tâm
- Phần 4: Dạy đọc bằng cách đọc
Next post
Phương pháp đánh vần có cần thiết khi Dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài? (Phần 2)
Recent Posts
Bài viết là phần tiếp nối của phần 4 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 3 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Recommended for You
Vietnamese Subtitle Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi có một Đức …
Vietnamese Subtitle: Đêm giáng sinh năm ấy, trời rất lạnh, đã mấy ngày liền tuyết …