Dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài có khó hay không?
Một câu hỏi mà nhiều người có bạn bè là người nước ngoài đó là Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài có khó hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.
Theo quan điểm cá nhân tôi, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là “khó”
Cái khó thứ nhất, thật ra dạy ngôn ngữ nào cũng khó.
Thầy cô nào đã từng dạy ngôn ngữ, chẳng hạn dạy tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng các nước hoặc qua kinh nghiệm học của mình, thì mình sẽ thấy học một ngôn ngữ nó khó hơn học các môn khác. Ví dụ hồi nhỏ mình học Tiểu học, Trung học; có những học sinh sau mùa nghỉ hè hai hoặc ba tháng, khi vào năm học mới tự nhiên giỏi Toán hẳn, tự nhiên giỏi Lý hẳn, tự nhiên giỏi Hóa hẳn. Học sinh đó chỉ cần trải qua hai hoặc ba tháng học chăm chỉ, siêng năng thì bước vào năm mới, cái kết quả học tập nó sẽ khác. Hiện tượng đó hầu như không bao giờ xảy ra trong vấn đề học ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt.
Kiến thức về ngôn ngữ nó đa dạng và phức tạp hơn các lĩnh vực khác.
Không có người nào, trừ thiên tài trải qua hai, ba tháng mà có thể giỏi một ngôn ngữ được, kể cả tiếng mẹ đẻ của mình. Kiến thức về ngôn ngữ nó đa dạng và phức tạp hơn các lĩnh vực khác. Từng vùng, trong bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng dồi dào và giàu có hơn sự tưởng tượng của mình. Thông thường để nói thông thạo một thứ tiếng, chỉ cần biết từ ba đến năm ngàn chữ là có thể đối đáp hằng ngày được, nhưng đó là sự thử thách hàng ngày. Một tờ báo hay một quyển sách nào cũng có vô số những từ ngữ mà không phải ai cũng có thể viết; đó là vấn đề từ vựng, còn cái cấu trúc câu của bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng thật đa dạng và nó biến hóa vô cùng. Học toán hoặc bất cứ một môn học nào khác, nó có những công thức, mình có thể học xong công thức đó là có thể giải được bài toán; còn trong ngôn ngữ, mình học xong một cấu trúc, ứng dụng vào thực tế nó khác hẳn. Nó đầy những ngọai lệ. Ngôn ngữ nào cũng có nhiều ngoại lệ. Thậm chí những ngoại lệ đó còn nhiều hơn những quy luật khác. Ví dụ chữ viết dấu hỏi, dấu ngã trong tiếng Việt, cho nên bây giờ có rất nhiều bộ sách viết về phương pháp viết đúng dấu hỏi và dấu ngã, thế nhưng bất cứ người nào nghiên cứu về ngôn ngữ học Việt Nam, cũng đều đồng ý điều này: Cái phương pháp đơn giản nhất để viết đúng dấu hỏi, dấu ngã là học thuộc lòng từng chữ. Bởi vì khi mình học thuộc những quy luật như vậy: Thứ nhất, số lượng quy luật rất nhiều, và thứ hai, mỗi quy luật như vậy cái số ngoại lệ cũng rất nhiều. Học như vậy có khi mệt hơn học từng chữ. Đó là lý do tại sao người ta cho rằng học và dạy ngôn ngữ bao giờ cũng khó.
Người nước ngoài học tiếng Việt là học ngôn ngữ thứ hai, thứ ba.
Mà học và dạy ngôn ngữ thứ hai lại càng khó. Sự khác nhau giữa ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai là thế này: Đối với ngôn ngữ thứ nhất mình không cần học. Ngôn ngữ thứ nhất mình học là khi mình mới ra đời; ngôn ngữ thứ hai người ta hiểu rằng mình học từ năm, bảy tuổi trở lên. Với ngôn ngữ thứ nhất hoặc tiếng mẹ đẻ mình không cần học. Có một hiện tượng cực kỳ thú vị là người ta không thể tìm ra bất cứ một người nào kém thông minh đến độ không học được tiếng mẹ đẻ của mình, trừ những người mắc bệnh. Tuyệt đối không có người nào ngu đến độ không học được tiếng mẹ đẻ. Trong khi đối với ngôn ngữ thứ hai, thì ngay cả những người thông minh nhất cũng có những hạn chế nhất định. Số lượng những người mà học ngôn ngữ thứ hai mà phát âm và nói năng hoàn hảo cực kỳ hiếm. Lứa tuổi để học ngôn ngữ thứ nhất bắt đầu từ lúc sơ sinh, đối với ngôn ngữ thứ hai bắt đầu từ lúc nào thì cho đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác, có thể là năm, mười tuổi trở lên. Thứ hai, động cơ của trường hợp thứ nhất nó hoàn toàn tự nhiên, ngôn ngữ thứ hai mình phải cố gắng, mình không cố gắng mình sẽ không giỏi. Cái thứ ba, về mức độ hoàn hảo thì đương nhiên ở trường hợp thứ nhất là hoàn hảo, ít nhất ở khả năng đọc, nghe và nói, còn đọc và viết thì có thể thay đổi theo trình độ học vấn. Còn đối với ngôn ngữ thứ hai, thường thường trong những kỹ năng như vậy nó có sự thiên lệch, có người đọc giỏi hơn là nghe, nói; có người nghe, nói giỏi hơn, v.v., nó thay đổi theo từng người, từng cá nhân một và thường nó không bao giờ đạt đến độ hoàn hảo. Học ngôn ngữ thứ hai, giỏi đến mức độ nào đó thì nó dừng lại.
Previous post
Phương pháp Đánh vần có cần thiết khi Dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài? (Phần 4)
Recent Posts
Bài viết là phần tiếp nối của phần 4 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 3 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 2 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Recommended for You
Vietnamese Subtitle Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi có một Đức …
Vietnamese Subtitle: Đêm giáng sinh năm ấy, trời rất lạnh, đã mấy ngày liền tuyết …