Phương pháp đánh vần có cần thiết khi Dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài? (Phần 2)
Chính vì tiếng Việt dễ đọc như đã bàn kỳ trước nên tôi cho việc dạy đánh vần, kiểu “bê a ba huyền bà” hay “bờ a ba huyền bà” vốn thường thấy ở Việt Nam là hoàn toàn không cần thiết. Lý do:
- Nó trái tự nhiên: Trẻ em, khi học ngôn ngữ, bắt đầu học bằng từ chứ không phải bằng âm vị. Đứa bé, độ bảy tám tháng, bắt đầu bập bẹ những chữ như “ba” hay “má”. Việc học từ cũng nên bắt đầu như vậy.
- Nó phức tạp hóa vấn đề. Riêng chuyện đánh vần như thế nào cũng là một vấn đề. Trước, người ta đánh vần bằng tên chữ, kiểu: bê, xê, dê…; sau, bằng âm: bờ, cờ, dờ… Trước, người ta đánh vần lần lượt từ trước đến sau, kiểu: lờ o lo a loa nơ loan nặng loạn; sau, người ta đánh vần phần vần trước rồi ráp với phần phụ âm đầu rồi thêm dấu (Ví dụ, chữ loạn: oan, lờ oan loan nặng loạn). Ở hải ngoại hiện nay, tại các trung tâm Việt ngữ chủ trương dạy đánh vần, hầu như mỗi nơi dạy một cách. Ngay chính giáo viên cũng lúng túng. Như vậy, câu hỏi cần được đặt ra là: Tại sao người ta bắt trẻ em phải học những thứ mà chính người lớn cũng thấy khó?
- Nó vô ích. Xin trở lại với chữ “loạn” nêu trong ví dụ ở trên. Học sinh đánh vần: OAN – LỜ OAN LOAN NẶNG LOẠN. Qua ví dụ này, chúng ta thấy rõ một điều: Học sinh đã có thể đọc được vần “oạn” trước khi thực sự đánh vần. Như vậy thì tập đánh vần làm gì nữa? Để ráp với phụ âm đầu ư? Nhưng nếu vậy thì có cần phải bỏ quá nhiều thì giờ để bắt các em học đánh vần không?
- Nó bộc lộ một số sự bất toàn trong chữ viết tiếng Việt. Với người lớn, đặc biệt các nhà nghiên cứu, hiểu những sự bất toàn ấy cũng là điều hay; tuy nhiên, với trẻ em, chúng chỉ gây nên bối rối và hoang mang vô ích.
Xin nêu vài ví dụ:
o G/GI: Khi học các phụ âm và nguyên âm, học sinh đọc “g” là “gờ” và “i” là “i”, nhưng khi đánh vần chữ “gì”, đáng lẽ phải là “gờ i ghi huyền ghì” thì chúng ta lại bắt các em đánh vần theo kiểu “zờ i zi huyền zì”. Âm “gờ” tự nhiên lại biến thành “zờ”. Vấn đề càng rắc rối hơn khi đánh vần hai chữ “giặt gịa” (đọc như dịa) và “giạ lúa” đọc như dạ): Cũng một chữ “g” mà có đến hai cách phát âm khác nhau. Như vậy, nó là hai hay một? Nếu là một thì làm sao giải thích hiện tượng mâu thuẫn vừa nêu? Nếu là hai thì tại sao trong bảng chữ cái dạy các em lại không có “gi”?
o Q: Về phương diện ngữ âm, “q”, cũng như “c” và “k” đều đọc là /k/, giống nhau. Nhưng trong khi cách đánh vần những chữ bắt đầu bằng “c” và “k” không có vấn đề gì; cách đánh vần các chữ bắt đầu bằng “q” lại gây rắc rối không ít. Ví dụ, chữ “quốc” có ba cách đánh vần: quờ-ốc-quốc, quờ-uốc-quốc và q(cu)-uôc-quốc. Đó là chưa kể cách đánh vần đúng âm vị học hơn: kờ-uốc.
o A/Ă: Trong ngữ âm học, “ă” chỉ là âm “a” ngắn. Trên phương diện chính tả, tất cả những chữ “a” đứng trước chữ “y”, thật ra, là “ă”. Ví dụ, ở Việt Nam, người ta dạy trẻ em đánh vần chữ “mai” và “may” như sau:
MAI: a – i – ai > mờ – ai – mai
MAY: ă – i – ay > mờ – ay – may
o Â/Ơ: Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với “ơ” và “â” (thật ra chỉ là “ơ” ngắn): Đánh vần chữ “Tây”, chẳng hạn, học sinh sẽ đọc:
Ớ – i – ây > tờ – ây – tây* Nó lạc hậu: Hầu như trong các ngôn ngữ lớn ở Tây phương hiện nay, không có nơi nào dạy trẻ em đánh vần như ở Việt Nam. Không phải họ không biết. Ngay từ xưa người Hy Lạp và La Mã cũng đã từng dạy theo phương pháp đánh vần xuôi rồi đánh vần ngược như vậy. Từ đầu thế kỷ 16, phương pháp này được truyền bá sang châu Âu. Năm 1527, Valentin Ickelsamer, một nhà giáo người Đức, biên soạn một cuốn nhan đề là Cách dạy đọc nhanh nhất (The Shortest Way to Reading), trong đó, phương pháp học vần được sử dụng để dạy đọc. Phương pháp này có ảnh hưởng rất lớn ở Anh, sau đó, từ cuối thế kỷ 18, cả ở Mỹ. Ở cả hai nơi, nó chiếm địa vị thống trị trong việc dạy học ít nhất cho đến thế kỷ 19, lúc một số nhà giáo dục bắt đầu lên tiếng hoài nghi hiệu quả của nó.
Từ đầu thế kỷ 20, một phương pháp dạy đọc mới ra đời, gọi là phương pháp đọc toàn chữ (whole-word reading method) hoặc nhìn-và-nói (look-and-say): Theo phương pháp này, học sinh đọc và cố gắng ghi nhớ cả chữ thay vì phân tích từng âm theo kiểu đánh vần ngày trước. Từ đó đến nay, phương pháp dạy đọc ở Mỹ thay đổi rất nhiều và rất nhanh, kéo theo sự thay đổi trên rất nhiều nơi trên thế giới.[3] Tuy nhiên, dù thay đổi đến mấy, cũng không có ai đề nghị quay lại kiểu dạy đọc theo lối học vần như ở Việt Nam. Dù người ta vẫn đề cao việc dạy các âm vị và khuôn vần (gọi là “phonics method”).
Không những trái tự nhiên, phức tạp, vô ích, tự mâu thuẫn và lạc hậu, việc dạy đánh vần, theo tôi, còn phản sư phạm.
Thứ nhất, tôi không tin cách tập đọc bằng biện pháp đánh vần là hiệu quả hơn những cách khác. Tuy nhiên, để khẳng định được điều này, cần có những cuộc thử nghiệm và kiểm nghiệm cụ thể, ví dụ, tìm hai lớp có những điều kiện và trình độ giống nhau, thử dạy tập đọc theo hai phương pháp khác nhau, sau đó, làm bài kiểm tra để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của từng phương pháp. Trong khi chưa có những cuộc thử nghiệm và kiểm nghiệm như vậy, chúng ta chưa có quyền khẳng định biện pháp nào là tối ưu, kể cả phương pháp dạy đánh vần.
Thứ hai, ngay cả khi biện pháp dạy đọc theo lối đánh vần có hiệu quả nhanh hơn một chút, những ảnh hưởng tai hại do nó gây ra, theo tôi, cũng rất lớn. Tai hại đầu tiên là nó khiến học sinh chán học, hoặc ít nhất, không thấy thú vị gì trong việc quác miệng ra gào to những âm thanh hoàn toàn vô nghĩa như “mờ-a-ma-i-gờ-rét-may-sắc-máy” (máy) “Vờ-i-vi-ê-viê-tờ-viêt-nặng-Việt » (Việt). Tai hại thứ hai là nó làm học sinh trở thành thụ động, và do đó, mất hẳn tính sáng tạo. Các em được thầy cô giáo dẫn dắt từng li từng tí. Từng vần. Từng phụ âm đầu. Từng thanh điệu. Và từng chữ. Việc dẫn dắt cẩn thận, chu đáo, chi li đến độ trí óc của các em không cần và cũng không thể làm bất cứ việc gì khác. Trừ việc nhớ.
Trước khi phân tích tính chất phản sư phạm ấy, xin thử nhớ lại hình ảnh các lớp mẫu giáo của chúng ta thời thơ ấu. Có phải chúng như tình huống 1″ dưới đây không?
Tình huống 1:
Cô giáo viết lên bảng chữ “Bà” rồi đọc:
– “À-bờ a ba huyền bà”
Học sinh đọc theo:
– “À – bờ a ba huyền bà”
Cô giáo viết chữ “nội” rồi đọc:
– “Ội – nờ ôi nôi nặng nội”
Học sinh đọc theo:
– “Ội – nờ ôi nôi nặng nội”
Cứ thế, kéo dài từ chữ này đến chữ khác. Lâu lâu cô giáo lại hỏi:
– “Chữ ‘bà’ đánh vần sao, các em?”
Học sinh lại gào lên:
– “À-bờ a ba huyền bà”
Cứ thế, từ giờ này sang giờ khác. Cho đến lúc các em tập đánh vần hết các chữ quy định trong sách giáo khoa.
Nhớ lại, thấy đáng sợ chứ?