Tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài (P4)
Bài viết là phần tiếp nối của phần 3 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài”.
Thảo luận
Qua khảo sát và thống kê các tổ hợp danh từ là sự kết hợp giữa các yếu tố danh hóa “sự, việc, cuộc, nỗi, niềm” với các động từ, tính từ trong bốn cuốn giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng tôi thấy sự xuất hiện của các yếu tố danh hóa, tổ hợp danh từ không đồng đều nhau. Cụ thể ở ba bảng thống kê sau:
Bảng 1
Số lượng yếu tố danh hóa trong mỗi giáo trình
Yếu tố danh hóa | GT A1 | GT A2 | GT B | GT C | Tổng | Tỉ lệ
(%) |
sự | 2 | 3 | 17 | 58 | 80 | 50.6 |
cuộc | 0 | 2 | 7 | 47 | 56 | 35.5 |
việc | 0 | 2 | 5 | 9 | 16 | 10.1 |
nỗi | 0 | 0 | 2 | 2 | 4 | 2.5 |
niềm | 0 | 0 | 0 | 2 | 2 | 1.3 |
Tổng | 2 | 7 | 31 | 118 | 158 | 100% |
Tỉ lệ (%) | 1.3 | 4.4 | 19.6 | 74.7 | 100% |
Bảng 2
Số lượng các yếu tố danh hóa trong các mục của giáo trình
Yếu tố
danh hóa |
Hội thoại | Giải thích ngữ pháp | Bài đọc/
bài nghe |
Bài tập/ Luyện tập |
sự | 0 | 33 | 31 | 16 |
cuộc | 4 | 2 | 18 | 32 |
việc | 1 | 1 | 12 | 2 |
nỗi | 0 | 0 | 3 | 1 |
niềm | 0 | 0 | 1 | 1 |
Tổng | 5 | 36 | 65 | 52 |
Tỉ lệ (%) | 3.2 | 22.8 | 41.1 | 32.9 |
Bảng 3
Số lượng và tỉ lệ tổ hợp danh hóa động từ và danh hóa tính từ
Tổ hợp danh hóa ĐT | Tổ hợp danh hóa TT | Tổng |
141 | 17 | 158 |
89.2% | 10.8% | 100% |
Qua ba bảng thống kê này, chúng tôi nhận thấy:
Sự xuất hiện của các tổ hợp danh từ danh hóa động từ/ tính từ tỉ lệ thuận với độ khó, phức tạp của các giáo trình dạy tiếng. Tức là ở giáo trình có trình độ càng cao thì càng xuất hiện nhiều các yếu tố danh hóa, tổ hợp danh từ. Cụ thể giáo trình A1 và A2 có rất ít các tổ hợp danh từ hoặc hầu như không có; tăng dần ở trình độ B và có chủ yếu ở trình độ C (bảng 1). Đó là vì: danh hóa là hiện tượng thể hiện sự phát triển trong năng lực khái quát hóa, trừu tượng hóa thực tế khách quan của con người thông qua ngôn ngữ. “Người bản ngữ (trong trường hợp này là người Việt), trong khi tri nhận các khái niệm phi sự vật, nhờ vào khả năng trừu tượng hóa của mình, đã coi chúng như là những sự vật vậy. Các đối tượng phi sự vật (hành động, tính chất,…) một khi được con người trừu tượng hóa và tri giác như những sự vật thì cũng bắt đầu tiếp nhận các đặc trưng như là một sự vật”. (Đinh Văn Đức, 2015, tr.321). Người nước ngoài phải học đến trình độ cao, tư duy như người bản ngữ mới có thể sử dụng các tổ hợp danh từ phức tạp và trừu tượng này. Do đó, các giáo trình ở trình độ trung cấp và nâng cao mới xuất hiện nhiều các tổ hợp này.
Trong các yếu tố danh hóa, “sự” chiếm số lượng lớn nhất (bảng 1). Chúng tôi cho rằng đó là do sự hạn chế dùng “sự” độc lập với tư cách một danh từ đích thực. Hơn nữa, “sự” có thể danh hóa được nhiều hoạt động, trạng thái, tính chất khái quát, trừu tượng hơn các yếu tố khác.
Các tổ hợp danh từ khảo sát xuất hiện nhiều ở mục Bài đọc/ Bài nghe, Bài luyện, Giải thích ngữ pháp của giáo trình hơn và gần như không xuất hiện ở mục Hội thoại (bảng 2). Điều này chứng tỏ, hiện tượng này xuất hiện nhiều và chủ yếu ở ngôn ngữ viết hơn ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, khi dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, các giáo trình cũng như giáo viên hướng đến việc học/dạy bốn kĩ năng ngôn ngữ, trong đó đặt mục tiêu người học phải giao tiếp được là cao nhất. Khi nói, con người thường dùng cách nói trực tiếp hơn cách nói khái quát hóa. Do đó, các tổ hợp danh hóa rất ít xuất hiện trong các câu thoại hay đoạn, bài đối thoại. Trong khi đó, bài đọc/ bài nghe chứa nhiều thuật ngữ khoa học, nhiều thông tin được tổ chức lại một cách ngắn gọn nhưng mang tính khái quát, tính thuyết phục cao. Phần Giải thích ngữ pháp chính là thuật ngữ của ngành ngôn ngữ học, với đa số là định nghĩa nên được lựa chọn dùng danh ngữ nhiều hơn.
Qua số liệu thống kê (bảng 3), chúng tôi cũng thấy danh hóa động từ phổ biến nhất (89.2%) và có thể kết hợp được với nhiều yếu tố danh hóa khác nhau (với cả 5 yếu tố “sự, cuộc, việc, nỗi, niềm”). Điều này cũng đúng với thực tế mà nhiều nhà ngôn ngữ học đã nhận định, danh từ được phái sinh từ nhiều từ loại khác nhưng nhiều nhất là từ động từ.
Đề xuất
Trên thực tế, hiện nay không có một cuốn giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nào đưa vấn đề chuyển loại từ vựng, danh hóa động từ/ tính từ vào giải thích và giảng dạy dù chúng có xuất hiện trong hầu hết các mục của giáo trình. Đặc biệt tần số xuất hiện trong các giáo trình trung cấp và nâng cao khá nhiều.
Do đó, chúng tôi đề xuất:
- Cần có nội dung về hiện tượng danh hóa trong mục Giải thích ngữ pháp, Bài luyện/ Bài tập của các giáo trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Do tính chất phức tạp của hiện tượng này, chúng tôi thiết nghĩ nên đưa vào giáo trình trình độ B1, B2, C1, C2 một cách lần lượt, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; không nên đưa tất các kiểu tổ hợp vào một giáo trình hay một trình độ. Cụ thể: Những yếu tố danh hóa như “sự, việc, cuộc, chuyến” kết hợp với động từ được dùng phổ biến hơn và có thể đưa vào nhiều ngữ cảnh giao tiếp không quá phức tạp nên thiết kế biên soạn trong giáo trình trung cấp B1. Tiếp theo những yếu tố danh hóa kết hợp với động từ như “cái, nỗi, niềm, cơn, trận” với tính chất khái quát hóa cao hơn, có độ khó hơn nên giới thiệu ở trình độ B2. Cuối cùng những tổ hợp danh hóa “sự, cái, nỗi, niềm + tính từ” có tần suất xuất hiện ít hơn, tính chất trừu tượng hóa các đặc trưng cao hơn nên được giải thích và luyện tập trong các giáo trình trình độ C.
- Về phía người dạy, “Giáo viên chú trọng đến các dạng thức của ngôn ngữ như: từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, văn phong, kỹ năng và phong cách học tập,v.v. Từ đó, giảng viên hỗ trợ đúng lúc, hiệu quả tùy theo từng giai đoạn tiến triển của học viên trong quá trình học tập ngôn ngữ và khả năng sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp.” (Vũ Văn Thi, 2016, tr.159). Do đó, trong quá trình dạy, giáo viên nên chú ý cách phân biệt, cách sử dụng của các yếu tố danh hóa, thành phần phụ đứng trước/sau của tổ hợp danh từ cho đúng. Ví dụ, động từ, tính từ chỉ trạng thái, tình cảm nào kết hợp được với “nỗi”; động từ, tính từ chỉ trạng thái, tình cảm nào kết hợp được với “niềm”; sau tổ hợp “sự + động từ” nào thì cần có giới từ, kết từ “về, với, đối với, của”; hay “cuộc” đa số kết hợp với động từ chỉ hoạt động cần nhiều người, có chủ ý và hữu kết,…
Tổng hợp các phần của Báo cáo
- Phần 1: Đặt vấn đề
- Phần 2: Cơ sở Lý thuyết & Nguồn tư liệu khảo sát
- Phần 3: Miêu tả các hiện tượng danh hóa trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
- Phần 4: Thảo luận và Đề xuất
- Phần 5: Kết luận
Tác giả: GV, ThS. Phạm Thị Thu Giang – GV. Bùi Thị Hường