Tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài (P3)
Bài viết là phần tiếp nối của phần 2 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng Danh hóa trong Một số Giáo trình dạy tiếng Việt cho Người nước ngoài”.
Chúng tôi lựa chọn khảo sát, mô tả các tổ hợp danh từ có sự kết hợp của năm yếu tố danh hóa sự, việc, cuộc, nỗi, niềm với động từ và tính từ. Đây là những yếu tố danh hóa mà khả năng dùng độc lập như một danh từ khái quát khá hạn chế và được nhiều nhà ngôn ngữ học công nhận hơn.
Tổ hợp danh từ với “sự”
Trong Từ điển Tiếng Việt, “sự” vừa là một danh từ đích thực “việc, chuyện (nói khái quát) Quên hết mọi sự” vừa là “từ có tác dụng danh hóa (sự vật hóa) một hoạt động, một tính chất (thường ghép trước động từ, tính từ để làm thành một tổ hợp có chức năng danh từ) Sự ủng hộ, sự giàu có. (Viện Ngôn ngữ học, 2005, tr.804). Tuy nhiên, ý nghĩa tự thân và khả năng kết hợp của “sự” với tư cách là một danh từ rất thấp. “Sự” không kết hợp với đại từ chỉ định (này, kia, đó, ấy), cũng không đứng trước số từ hay từ chỉ lượng. Vì thế, khi “sự” đứng trước động từ đa số là yếu tố danh hóa.
Sau khi thống kê và khảo sát ở bốn cuốn giáo trình, chúng tôi có được kết quả “sự + động từ, tính từ” chiếm số lượng nhiều nhất và đa dạng nhất trong các yếu tố và tổ hợp danh từ, có đến 57 tổ hợp và 80 lượt xuất hiện, chiếm 50.6 %. Chúng tôi chia làm 2 nhóm tổ hợp: tổ hợp danh hóa động từ (số lượng: 65) và tổ hợp danh hóa tính từ (số lượng: 15).
- Nhóm tổ hợp danh hóa “sự + động từ”, ví dụ một số trường hợp:
- Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà ấy. (GT B, tr.56)
- Phải chăng qua quá trình chọn lọc tự nhiên, một số virus sẽ có khả năng thoát khỏi sự tấn công của các loại thuốc chữa bệnh mới nhất trên thị trường? (GT C tr.125)
- “Thế mà” đứng ở đầu câu để biểu thị sự ngạc nhiên. (GT B, tr.79)
- Lúc đó, cần phải học hỏi nhiều để lấy lại sự tự tin. (GT C, tr.192)
- Ba từ này (đi, đến, về) đều chỉ sự chuyển động. Tuy nhiên, giữa chúng cũng có sự phân biệt như sau… (GT A2, tr.207)
Qua tư liệu khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các động từ được danh hóa bởi “sự” đều là động từ đa âm tiết, không có động từ đơn tiết. Các động từ này rất đa dạng bao gồm cả động từ chỉ hành động (giúp đỡ, chuyển động, đấu tranh, tiếp xúc, tấn công, tính toán,); động từ chỉ trạng thái, tình cảm của sự vật, hiện tượng (im lặng, tự tin, ngạc nhiên, lo lắng, nuối tiếc, tiến bộ, tôn trọng); có cả động từ ngoại động (biến đổi, đền bù, quan tâm, tác động, ô nhiễm, hình thành, phỏng đoán, so sánh, phân công,…) và động từ nội động (sống, hi sinh, phát triển, tăng tiến,…). Tuy nhiên, không có sự kết hợp giữa “sự” với các động từ chuyển động (ra, vào, lên, xuống,…), động từ ngôn hành, hành vi (nói, khuyên, bảo,…) hay động từ tình thái (muốn, cần, phải, bị, được…).
Về việc kết hợp với các từ loại hay thành phần khác trong câu, các tổ hợp danh hóa của “sự” với động từ mang một vài đặc điểm như một danh từ đích thực, tức là có thể kết hợp với đại từ chỉ định (này, kia, đó,…) và từ chỉ số lượng. Chúng tôi cũng thấy một vấn đề nữa, đó là có sự thay đổi, khác biệt giữa một số tổ hợp danh hóa động từ với một số động từ ban đầu trước khi kết hợp với “sự”. Cụ thể: động từ khi chưa danh hóa thì giữa chúng và bổ ngữ không cần giới từ nhưng khi danh hóa thì giữa tổ hợp danh hóa và bổ ngữ của động từ phải có giới từ. Chẳng hạn như, “sự biến đổi về vai trò, vị trí”, “sự biến đổi về tính chất, trạng thái”, “sự quan tâm đối với cô dâu”, “sự tôn trọng đối với cô dâu”. Người nước ngoài khi học tiếng Việt cần chú ý đặc điểm này để dùng cho đúng.
Về mặt ngữ nghĩa, tổ hợp danh từ “sự + động từ” định danh cho loại thực thể trừu tượng, là kết quả của việc trừu tượng hóa, khái quát hóa đặc trưng của những hành động biểu thị ở động từ ban đầu.
Về mặt cú pháp, tổ hợp danh hóa đóng vai trò, vị trí trong câu như một danh từ: đó là làm chủ ngữ: Sự im lặng cũng cần thiết cho việc quảng cáo. (GT C, tr.188); hoặc làm bổ ngữ: Có rất nhiều loại quảng cáo để thu hút sự chú ý của mọi người. (GT C, tr.187).
- Nhóm tổ hợp danh hóa “sự + tính từ”, ví dụ một số trường hợp:
- Người khách đầu tiên đến thăm nhà trong năm mới sẽ là người quyết định sự may mắn cho cả gia đình. (GT B, tr.114)
- Đây là loại câu ghép, thể hiện sự trái ngược giữa hai vế A và B. (GT B, tr.34)
- Có rất nhiều con đường đưa người ta đến sự cô đơn. (GT C, tr.84)
- Họ đang đấu tranh để đạt được sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ. (GT C, tr.80)
Trong số 17 tổ hợp yếu tố danh hóa + tính từ mà chúng tôi khảo sát được thì có tới 15 tổ hợp là “sự + tính từ”. Điều đó chứng tỏ, “sự” với đặc điểm hạn chế về ý nghĩa tự thân là danh từ, khi kết hợp với tính từ đều là yếu tố danh hóa. Các tính từ mà “sự” kết hợp đều không có tính từ đơn tiết, tất cả các trường hợp đều là tính từ đa âm tiết. Các tính từ này đều biểu thị đặc trưng của sự vật một cách khái quát, trừu tượng được con người tri nhận một cách từ từ không trực tiếp qua các giác quan như: bất cẩn, trung thành, đau khổ, đẳng lập, buồn chán, cô đơn, khác biệt, may mắn, phiền muộn, bình đẳng,…Chúng tôi không tìm thấy những tính từ mà con người có thể tri nhận trực tiếp thông qua các giác quan như nhanh, chậm, béo, gầy, xanh, đỏ,…được danh hóa.
Về mặt ngữ nghĩa, tổ hợp danh hóa tính từ đã tạo ra “một tiểu loại tổ hợp danh từ mới, định danh cho những loại thực thể đặc biệt, những thực thể sinh ra do năng lực khái quát hóa, trừu tượng hóa thế giới khách quan một lần nữa,…những đặc trưng vốn gắn với sự vật, mô tả đặc tính của sự vật trở thành một loại thực thể tồn tại bên cạnh những thực thể vật chất đích thực” (Nguyễn Thị Thuận, 2013b, tr.177).
Tổ hợp danh từ với “việc”
Nếu “sự” có hàm lượng nghĩa tự thân thấp, khả năng dùng độc lập như một danh từ cũng hạn chế thì “việc” là một trong những danh từ khái quát có khả năng đứng độc lập rất cao. Điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn ngữ liệu và phân biệt những trường hợp “việc” được dùng như một yếu tố danh hóa và “việc” được dùng như một danh từ độc lập, động từ sau “việc” đóng vai trò định ngữ.
Trong khi khảo sát tư liệu, chúng tôi nhận thấy “việc” không kết hợp với “tính từ”. Vì thế toàn bộ các tổ hợp danh từ bởi “việc” đều có kết cấu “việc + động từ”. Và các động từ này không phải là động từ trạng thái, không đi với những yếu tố chỉ thời, thể, các từ biểu thị tình thái, thời gian, sự tiếp tục,…
Ví dụ một số tổ hợp danh hóa trong các giáo trình đã khảo sát:
- Việc gửi và nhận email có thể được thực hiện mọi lúc, mọi nơi. (GT A2, tr.100)
- Giới trẻ Việt Nam coi học tập là việc ưu tiên hàng đầu. (GT B, tr.59)
- Việc quảng cáo lúc đầu giống như một cái máy bơm nước. (GT C, tr.190)
- Do đó việc bảo vệ rừng và thiên nhiên hoang dại phải là một quốc sách, một công việc sống còn của loài người. (GT C, tr.218)
Các động từ được danh hóa với “việc” hầu hết là động từ chỉ hành động hay hoạt động (liên lạc, bảo tồn, tổ chức, phá, bảo vệ, gửi, nhận, chữa bệnh, chuyền nhà,…). Số ít trong đó là động từ đơn tiết và thường là động từ ngoại động (gửi, nhận, phá).
Về mặt ngữ nghĩa, các tổ hợp danh từ “việc + động từ” biểu thị cho loại thực thể quá trình/ hành động chứ không biểu thị cho loại thực thể vật chất, trừu tượng. Đặc trưng ý nghĩa này đưa đến vai trò làm chủ ngữ, bổ ngữ hay cùng với “là” làm vị ngữ của câu của tổ hợp danh hóa này.
Tổ hợp danh từ với “cuộc”
Trong Từ điển Tiếng Việt phổ thông, “cuộc” được định nghĩa là “Việc có tham gia của nhiều người diễn ra theo một quá trình”. Vậy nghĩa tự thân của danh từ này có liên quan đến hành động, có nhiều người tham gia, có chủ ý, kế hoạch và có kết quả (hữu kết). Chính nghĩa thực này đã chi phối đến ngữ nghĩa của tổ hợp danh hóa “cuộc + động từ”. Do đó, qua tài liệu khảo sát chúng tôi cũng nhận thấy, “cuộc” không kết hợp với tính từ, cũng không kết hợp với động từ chỉ trạng thái, tình cảm, với những động từ có thể kết hợp với phó từ chỉ mức độ hay với những động từ mà hành động tiến hành bởi từng cá nhân.
Tần suất xuất hiện của tổ hợp “cuộc + động từ” khá nhiều, 56 lượt từ chiếm 35.5% (chỉ sau “sự + động từ). Trong đó, số lượng “cuộc” kết hợp với động từ đơn tiết (28 tổ hợp) bằng số lượng “cuộc” kết hợp với động từ đa tiết (28 tổ hợp). Ví dụ như:
- Chân em ấy bị đau nhưng em ấy phải tham gia cuộc thi chạy. (GT A2, tr.169)
- Tôi không thấy anh ta trong cuộc họp sáng nay. (GT B, tr.56)
- Cuộc thảo luận sôi nổi và bổ ích. (GT B, tr.149)
- Sáng ngày 14/5 cuộc đua đã khai mạc bằng một cuộc tranh tài quanh hồ Hoàn Kiếm. (GT C, tr.145)
- Số lượng các cuộc di dân ngày càng nhiều. (GT C, tr.176)
Như vậy, các tổ hợp danh từ “cuộc + động từ” có thể làm chủ ngữ hay bổ ngữ trong câu. Về mặt ngữ nghĩa, đa số các trường hợp danh hóa động từ bởi “cuộc” mang hàm ý định danh cho hoạt động cụ thể, thường có địa điểm và thời gian nhất định, có nhiều người tham gia, có chủ ý và hữu kết. Chính đặc điểm được tiến hành trong một thời lượng, thời gian cụ thể đã khu biệt tổ hợp “cuộc + động từ” với các tổ hợp danh từ khác. Chỉ có tổ hợp “cuộc + động từ” có thể đứng sau số từ hay các từ chỉ lượng, ví dụ như Có thể nói đây là một cuộc đua cực gian nan. (GT C, tr.145)
Tổ hợp danh từ với “nỗi” và “niềm”
Trong số các yếu tố danh hóa, “nỗi” và “niềm” có lẽ được dùng độc lập như một danh từ khái quát ít nhất. Cả hai thường được dùng trong các tổ hợp danh hóa động từ và tính từ chỉ trạng thái, tình cảm, cảm giác, mong muốn.
Ví dụ:
- Do sức ép của công việc, của cuộc sống căng thẳng, của những nỗi lo âu, nỗi phiền muộn hàng ngày, người ta cảm thấy sức khỏe của mình yếu đi, luôn mệt mỏi, buồn chán, dễ tức giận,…thậm chí không muốn làm gì nữa. (GT B, tr.138)
- Nỗi sợ hãi và cảm giác đau đớn bảo vệ con người trước những khả năng bị chấn thương nguy hiểm. (GT C, tr.124)
- Nhiều người nghĩ rằng trong cuộc sống thì nỗi lo việc làm là nỗi lo lớn nhất. (GT C, tr.172)
- Ông ta có hai niềm say mê là ngắm phong cảnh đẹp và ngắm các cô gái đẹp. (GT C, tr.22)
- Với tôi, đó là một niềm an ủi lớn. (GT C, tr.84)
Trong số các trường hợp về tổ hợp danh từ trên thì chỉ có 2 trường hợp danh hóa tính từ (nỗi phiền muộn, nỗi sợ hãi), còn 4 trường hợp là danh hóa động từ (nỗi lo âu, nỗi lo, niềm say mê, niềm an ủi). Các động từ được danh hóa đều là động từ chỉ trạng thái, tình cảm. Qua tư liệu khảo sát, chúng đều là những động từ biểu thị những tình cảm hướng nội, tức là tình cảm, tâm trạng của chủ thể không hướng tới đối tượng cụ thể nào. Trong đó, “nỗi” thường được danh hóa cho những động từ, tính từ biểu thị những tình cảm, cảm giác, tâm trạng có tính chất tiêu cực. Ngược lại, “niềm” được danh hóa cho những cảm giác, tình cảm có tính chất tích cực, có thể làm con người hạnh phúc. Người nước ngoài khi học tiếng Việt cần chú ý đặc điểm này để lựa chọn, sử dụng danh hóa động từ, tính từ chỉ tình cảm, cảm giác cho chính xác.
Về sự kết hợp, chúng tôi nhận thấy, tổ hợp danh từ với “nỗi, niềm” có thể đứng sau từ chỉ số lượng. Sau tổ hợp danh hóa, người ta có thể gắn cho nó những đặc tính vật chất như có dung lượng, có kích thước (niềm an ủi lớn, nỗi lo lớn nhất). Song trước các động từ không thể có các yếu tố chỉ thời, thể, do mỗi “tổ hợp danh từ nỗi/ niềm + động từ là biểu thị loại thực thể, kết quả của sự thực thể hóa trạng thái, tình cảm của con người, vì vậy khi tham gia vào tổ hợp, động từ được tách hẳn khỏi những tham tố gắn với nó như thời gian, chủ thể, đối tượng mà trạng thái hướng tới” (Nguyễn Thị Thuận, 2003a, tr.3).
Tổng hợp các phần của Báo cáo
- Phần 1: Đặt vấn đề
- Phần 2: Cơ sở Lý thuyết & Nguồn tư liệu khảo sát
- Phần 3: Miêu tả các hiện tượng danh hóa trong các giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài
- Phần 4: Thảo luận và Đề xuất
- Phần 5: Kết luận
Tác giả: GV, ThS. Phạm Thị Thu Giang – GV. Bùi Thị Hường