Kỹ thuật dạy Ngữ âm tiếng Việt cho Người nước ngoài trong Buổi học đầu tiên
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, số lượng nguyên âm, phụ âm tương đối nhiều đặc biệt là hệ thống thanh điệu tạo nên đặc trưng riêng của ngôn ngữ này. Đây cũng là những rào cản tương đối cho một người nước ngoài khi bắt đầu học tiếng Việt. Bài viết nhỏ này chúng tôi muốn trao đổi về cách dạy để giúp người học tiếp cận với hệ thống ngữ âm tiếng Việt như thế nào cho hiệu quả nhất.
Như chúng ta đã biết, ngữ âm tiếng Việt chia làm 5 hệ thống là âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu. Tuy nhiên, việc phân chia một cách rành mạch ranh giới các hệ thống trong một âm tiết với người nước ngoài chủ yếu học tiếng Việt từ góc độ giao tiếp theo chúng tôi là không thật sự cần thiết. Có thể tóm gọn về 3 nội dung sau: hệ thống phụ âm, hệ thống nguyên âm và hệ thống thanh điệu. Sau đó lưu ý cho họ những điểm đặc biệt, những khác biệt quan trọng trong từng hệ thống để mục đích cuối cùng họ có thể phát âm một cách tương đối chuẩn xác tiếng Việt.
1. Hệ thống Phụ âm
Thông thường, trong buổi đầu tiên khi giới thiệu về tiếng Việt, đối với phần ngữ âm, nhiều giáo viên chọn cách đưa ra bảng chữ cái (bảng thường dùng cho học sinh tiểu học) rồi giới thiệu lần lượt. Cách làm đó cũng giúp người học biết được trong tiếng Việt có bao nhiêu phụ âm, các phụ âm được phát âm như thế nào. Tuy nhiên, điểm quan trọng là họ không thể nhận ra được những phụ âm nào có đặc điểm cấu âm gần giống nhau dễ gây nhầm lẫn khi phát âm. Điều này có thể sẽ gây ra những lẫn lộn trong phát âm của học viên.
Do đó, theo chúng tôi có thể chọn cách giới thiệu phụ âm theo vị trí cấu âm để giáo viên giúp người học dễ dàng so sánh điểm giống và khác nhau.
th | ||||
b | t | ch/ tr | k/ c/ q | |
m | đ | |||
p | n | nh | ng/ ngh | |
ph | x/ s | kh | h | |
v | d/gi/ r | g/ gh | ||
l |
Cách làm như vậy có những ưu điểm sau:
- Nhận diện được cách phát âm của các phụ âm trong nhóm một cách rõ ràng. Người học hiểu ngay được vị trí của cơ quan cấu âm cho mỗi phụ âm.
- Tìm được những khác biệt hay đặc điểm gần giống của các phụ âm trong nhóm.
- Giáo viên có thể nhận ra người học thường nhầm lẫn các phụ âm nào với nhau. Từ đó giáo viên sẽ tìm ra hướng khắc phục, sửa chữa trong các giai đoạn tiếp sau của khóa học một cách có trọng tâm. Chẳng hạn, người Hàn hay nhầm hai âm b và v. Thông thường họ không phát âm được chính xác v mà thường phát âm v giống như b. Hay người Nhật không thể phân chia tách bách trong phát âm t và th. Họ có xu hướng phát âm t như th. Trong khi đó người Trung Quốc đặc biệt những người đến từ các vùng giáp với biên giới phía Bắc nước ta thường nhầm lẫn đ và t và cách họ phát âm đ khiến người nghe cảm giác như đang phát âm t. Hoặc các học viên đến từ những nước nói tiếng Anh gặp khó khăn rất nhiều với nhóm phụ âm gốc lưỡi: c/k/q – ng/ ngh/ – g/ gh
Cần lưu ý thêm là phụ âm tiếng Việt có sự khác biệt khi đứng ở vị trí đầu hay vị trí cuối.
+ ch trong các vần ich, êch, ach có xu hướng phát âm của c, khác với khi ch đứng ở vị trí bắt đầu âm tiết như chợ là một âm mặt lưỡi. Ví dụ sự khác biệt của ch trong: chích, chách, chếch
+ nh ở vị trí bắt đầu là âm mặt lưỡi, phát âm hướng ra ngoài còn nh đứng ở vị trí kết thúc âm tiết trong vần inh, ênh, anh lại là âm có xu hướng gốc lưỡi như ng.
Việc phân nhóm các phụ âm như vậy giúp giáo viên xây dựng các bài luyện tập khoa học và rõ ràng hơn.
2. Hệ thống Nguyên âm
Tương tự như phần phụ âm, nếu giới thiệu nguyên âm cũng dựa vào thứ tự abc thì rất khó khăn cho người học vì không nhận ra được sự giống và khác biệt giữa các nguyên âm với nhau. Theo đó, giáo viên cũng nên chia các nguyên âm thành các nhóm để người học dễ hình thành thói quen trong phát âm và giúp mình nhận ra được lỗi mà họ hay mắc phải.
Trong việc phân chia nhóm, có một điểm cần chú ý là có sự phân biệt giữa nguyên âm có dấu mà nguyên âm không có dấu. Vì vậy, đầu tiên người dạy có thể phân chia theo nhóm cùng hình thức chữ viết nhưng dấu khác nhau đưa đến việc phát âm khác nhau. Điều này được thể hiện thành các nhóm nguyên âm như sau:
- a, ă, â
- o, ô, ơ
- u, ư
- e, ê
Chúng ta là người bản ngữ nhìn tưởng dễ nhưng từ kinh nghiệm thực tế chúng tôi nhận thấy người nước ngoài ban đầu không định hình và không nhận diện tốt về dấu của nguyên âm. Họ thường bỏ quên nó khi viết và không hiểu đó là dấu hiệu thể hiện độ ngắn dài của nguyên âm. Mặt khác họ lại dễ nhầm dấu của nguyên âm sang thanh điệu của âm tiết/ từ nên với nhiều người nước ngoài điểm này lại trở thành phức tạp.
Sau khi phân chia và làm rõ cho người học cách ghép nhóm thứ nhất này, giáo viên có thể dựa vào 3 tiêu chí là vị trí của lưỡi, độ mở miệng và hình dáng môi để nhóm các nguyên âm lại với nhau. Chẳng hạn như:
– Nhóm nguyên âm hàng trước, không tròn môi: i, ê, e
– Nhóm nguyên âm hàng sau không tròn môi: ư, ơ, â, a, ă
– Nhóm nguyên âm hàng sau tròn môi: u, ô, o
Thêm một chú ý với giáo viên là trường hợp đặc biệt của nguyên âm a. Đó là trường hợp a đi với nh, ch thành vần anh, ach. Khi đó, dù viết là a nhưng khi phát âm lại không phải là a mà phải phát âm như e và hơn thế có xu hướng ngắn hơn so với e bình thường. Đây là điểm mà nhiều giáo viên không nắm rõ dẫn đến người học bị phát âm sai ngay với từ đầu hoặc cảm thấy khó phát âm do ấn tượng con chữ để lại.
3. Hệ thống Thanh điệu
Thanh điệu là đặc điểm ngữ âm tiêu biểu của tiếng Việt. Nó là sự thay đổi cao độ của giọng nói và là trở ngại lớn nhất đối với người học đặc biệt những người đến từ các ngôn ngữ khác loại hình như Anh, Mĩ, Hàn, Nhật….
Hệ thống thanh điệu tiếng Việt gồm 6 thanh được chia làm hai nhóm: các thanh điệu có âm vực thấp (huyền, hỏi, nặng) và các thanh điệu có âm vực cao (không, ngã, sắc).
Khi giới thiệu thanh điệu cho học viên nước ngoài, giáo viên có thể đưa ra một cách lần lượt: không dấu, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó, học viên cũng sẽ có những hiểu lầm hoặc hiểu không sâu về các thanh dẫn đến sự khu biệt các thanh không rõ ràng.
Sau khi giới thiệu đầy đủ 6 thanh như trên, giáo viên có thể chia nhóm cho các thanh để chỉ ra điểm đặc trưng của mỗi thanh (bao gồm cả sự giống nhau và khác nhau). Cụ thể ở đây, có thể chỉ ra các nhóm như sau:
– Nhóm thanh không dấu và thanh bằng: chỉ khác nhau về cao độ, đường nét tương đối bằng phẳng. Do đó, giáo viên sẽ giúp người học ngay từ đầu hiểu được việc phải đạt cao độ ra sao khi phát âm hai thanh này và lỗi sẽ mắc phải nếu thanh không dấu hay thanh bằng không đạt được một cách tương đối độ cao của chúng.
- Nhóm thanh không dấu và thanh sắc: hai thanh này đều thuộc âm vực cao. Tuy nhiên, trường độ của thanh không phải dài hơn thanh sắc rất nhiều. Hay có thể nôm na đưa ra đặc trưng của thanh không dấu là cao, dài và thanh sắc là cao, ngắn. Chỉ ra được điểm giống và khác biệt đó chắc chắc sẽ giúp học viên tránh việc mắc lỗi.
- Nhóm thanh bằng và thanh nặng: hai thanh này đều thuộc âm vực thấp. Sự khác biệt ở chỗ, trường độ của thanh bằng dài hơn còn thanh nặng ngắn và đột ngột. Giống như trên, có thể quy về hai đặc điểm sau cho mỗi thanh: thanh bằng là thấp, dài; thanh nặng là thấp, ngắn.
- Nhóm thanh ngã và thanh hỏi: Hai thanh này điểm giống nhau đều có nét gãy nhưng sự khác biệt rõ ràng nhất là với thanh ngã trong giai đoạn phát âm thứ hai phải thắt lại, hẹp hơn so với thanh hỏi.
Đây là những phân biệt cơ bản còn tất nhiên trong quá trình dạy, phát âm học viên sẽ bộc lộ những nhầm lẫn của mình.
Thực tế với người nước ngoài họ có thể nhầm lẫn tất cả các thanh điệu với nhau. Tuy nhiên, việc chỉ ra những đặc trưng cơ bản theo nhóm như vậy ít nhất cũng giúp họ có cái nhìn và cách hiểu đầu tiên theo hệ thống để tránh tối đa lỗi phát âm sau này.
KẾT LUẬN
Có thể nói buổi dạy phát âm đầu tiên rất quan trọng. Nó giúp người học bước đầu tiếp cận và hiểu về hệ thống ngữ âm tiếng Việt, vì vậy, cần lựa chọn phương pháp dạy cũng như nội dung cho phù hợp. Nếu các nội dung được thể hiện sơ sài thì người học không hoặc khó hiểu sâu. Nếu các nội dung được truyền tải một cách học thuật thì người học cũng tiếp cận khó khăn thậm chí tạo cảm giác sợ hãi, nặng nề.
Một số trao đổi của chúng tôi về cách tiến hành giới thiệu ngữ âm trong buổi đầu tiên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài chỉ là một sự gợi ý. Chắc chắn từ thực tế giảng dạy, các giáo viên đã từng đứng lớp sẽ có thêm những chia sẻ bổ ích. Điều đó sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn về phương pháp và quan trọng hơn giúp người học tiếp cận với một ngôn ngữ mới trong tâm thế thoải mái, mang tính thực tiễn cao.
GV,ThS Chu Phong Lan
Tài liệu tham khảo
- Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1999.
- Nguyễn Văn Huệ, Một số kỹ thuật dạy phát âm, Khoa Việt Nam học, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGTP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Văn Lai, Thanh điệu tiếng Việt và việc dạy thanh điệu tiếng Việt cho người nước ngoài, Thông báo khoa học, T1, Khoa tiếng Việt ĐHTH Hà Nội, 1975.
Recent Posts
Bài viết là phần tiếp nối của phần 4 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 3 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Bài viết là phần tiếp nối của phần 2 trong Chuyên đề “Tìm hiểu Hiện tượng …
Recommended for You
Vietnamese Subtitle Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất xa xôi có một Đức …
Vietnamese Subtitle: Đêm giáng sinh năm ấy, trời rất lạnh, đã mấy ngày liền tuyết …